Khuyến mãi Khuyến mãi
DANH MỤC SẢN PHẨM
Gốm sứ Bát Tràng - Di sản văn hóa và nghệ thuật Việt Nam

Gốm sứ Bát Tràng - Di sản văn hóa và nghệ thuật Việt Nam

Xuân MKT
Th 5 12/09/2024
Nội dung bài viết

Làng gốm sứ Bát Tràng có lịch sử lâu đời, được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của Việt Nam. Các sản phẩm mang tính nghệ thuật độc đáo từ khâu lựa chọn nguồn nguyên liệu cầu kỳ, kỹ lưỡng, công cụ chế biến đặc trưng, quy trình và kỹ thuật chuyên biệt. Đồng thời gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công nên các sản phẩm rất đa dạng.

Giới thiệu về làng nghề gốm sứ Bát Tràng

Gốm Bát Tràng là tên gọi chung của tất cả các sản phẩm gốm sứ được sản xuất tại các làng thuộc tỉnh Bát Tràng. Các làng gốm Bát Tràng nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Làng nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 10km về phía Đông Nam. 

Bát Tràng - Hán Việt viết là 鉢場. Theo từ điển Thiều Chửu “chữ Bát (鉢) tiếng Phạn là bát-đa-la, là cái bát ăn của sư, nhà chùa dùng bát xin ăn đời đời truyền để cho nhau”, “chữ Tràng (場, hay còn có cách đọc là Trường) là cái sân rộng mà bằng phẳng. Phàm nhân việc gì mà tụ họp nhiều người đều gọi là tràng”. Như vậy, tên gọi Bát Tràng có thể hiểu nôm na là “cái sân rộng mà mọi người trong làng cùng tụ họp lại để làm bát, và làng nghề này được truyền thừa từ đời này sang đời khác”. Tuy nhiên, theo một số tài liệu khác thì cái tên gọi Bát Tràng còn được bắt nguồn từ tên gọi Bạch Thổ Phường, nghĩa là “phường đất sét trắng”.

Lịch sử hình thành và phát triển làng nghề gốm sứ Bát Tràng

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” và cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành vào khoảng thế kỷ 14, thời nhà Lý. Khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, năm dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát (làng Bồ Xuyên và Bạch Bát), huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp.

Đến Bạch Thổ phường thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) - nơi có nguồn nguyên liệu tốt để làm đồ gốm là đất sét trắng, năm dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng.

Còn theo những câu chuyện dân gian kể lại, thì làng nghề Bát Tràng do ba vị thái học sinh trên đường đi sứ Bắc Tống đã học được các kỹ thuật làm gốm của người dân nơi đây và truyền lại cho người dân tại nước ta. Trong gia phả của nhiều dòng họ tại Bát Tràng cũng ghi lại những dấu ấn lịch sử hình thành làng nghề Bát Tràng và đã được các nhà khảo cổ xác nhận qua dấu tích của các lớp đất nung và mảnh gốm tìm thấy được ở các vùng Thanh Hóa, Ninh Bình,…

gốm sứ Bát Tràng

Các dòng sản phẩm gốm sứ Bát Tràng

Gốm sứ Bát Tràng phong phú về chủng loại và kiểu dáng, hiện có 03 dòng chính: đồ gốm gia dụng, đồ gốm dùng để thờ cúng, đồ trang trí. Các sản phẩm gốm được bán ở cả trong nước và xuất khẩu. Ngoài những mặt hàng truyền thống, các cơ sở sản xuất không ngừng tìm tòi, học hỏi, thiết kế nhiều mẫu sản phẩm phù hợp với xu hướng phát triển và thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, sản phẩm gốm của Bát Tràng không những chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà dần khẳng định được vai trò và thương hiệu trên trường quốc tế. 

Tại Không gian Gốm Bát Tràng, các sản phẩm gốm của công ty đa dạng về kiểu mẫu, chủng loại, màu sắc và công dụng. Có thể kể đến như: Lộc bình thu hút tài lộc, lọ hoa vẽ tay men lam, lu nước phong thủy men xanh, tượng phật, bộ đồ thờ gia tiên, ly ca cốc sứ, gốm sứ cảnh quan sân vườn,...

 

gốm sứ Bát Tràng

Quy trình sản xuất gốm sứ Bát Tràng thủ công

“Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò” là câu nói mà ông bà ta dùng để ví von cách làm gốm. Theo Cục di sản Văn hóa, quy trình sản xuất gốm tại làng Bát Tràng trải qua các bước, gồm: 

Xử lý và pha chế đất

Dùng hệ thống bể chứa để ngâm đất trong nước. Tùy vào đặc tính của mỗi loại đất mà thời gian và kỹ thuật xử lý, pha chế sẽ khác nhau. Đầu tiên là loại bỏ bớt tạp chất, ngâm đất cho chín, đảo kỹ, vun thành đống, dẫm đất cho nát, rồi ấp lại thành quả đất và cuối cùng là thái quả đất nhiều lần bằng công cụ kéo cắt đất chuyên dụng (gọi là củi nể) cho cối đất thật mịn dẻo là được. Sau khi đất được làm sạch, tùy theo yêu cầu của từng loại gốm mà người ta có thể pha chế thêm cao lanh ít nhiều hoặc loại bớt cát, thêm cát trong đất sét. 

Tạo dáng

Sau khi đất được xử lý và pha chế, thợ gốm sẽ tiến hành tạo dáng cho sản phẩm trên bàn xoay. Ngày nay, ngoài kỹ thuật vuốt, be chạch bằng tay, thợ gốm Bát Tràng còn sử dụng một số cách tạo hình như: đắp nặn, đúc khuôn hay khuôn in. Ngoài ra, người ta còn dùng phương pháp đổ rót, tức là đổ hồ thừa hay hồ đầy để tạo dáng sản phẩm. Cốt gốm được phơi sấy bằng cách hong trên giá trong nhà thoáng gió hay dùng lò sấy. 

gốm sứ Bát Tràng

Tạo hoa văn trang trí

Vào thế kỷ XIV - XV, kỹ thuật trang trí chỉ dừng lại ở khắc chìm, tô men nâu theo kỹ thuật gốm hoa nâu thời Lý - Trần. Đến thế kỷ XVI - XVIII, kỹ thuật trang trí chạm đắp nổi kết hợp với vẽ lam hình rồng, phượng xen kẽ mây cụm, ngựa có cánh, hoạt cảnh người, cánh sen đứng, hoa dây, lá đề, phong cảnh sơn thủy,... Thợ gốm dùng bút lông vẽ trực tiếp lên sản phẩm cùng nhiều hình thức trang trí khác, có hiệu quả nghệ thuật như đánh chỉ, bôi men chảy màu, vẽ men màu... để khi nung men chảy tỏa xuống tạo lên những đường nét màu sắc tự nhiên, hài hòa.

Hiện nay, ngoài kỹ thuật trang trí truyền thống, ở Bát Tràng còn xuất hiện kỹ thuật hấp hoa, trang trí hình in sẵn trên giấy, dễ làm, nhanh nhưng không có tính sáng tạo và nghệ thuật. 

gốm sứ Bát Tràng

Tráng men

Kỹ thuật tráng men gốm ở Bát Tràng có nhiều hình thức. Thông dụng nhất là hình thức tráng men ngoài sản phẩm, gọi là kìm men. Khó hơn cả là các hình thức quay men và đúc men. Quay men là tráng men bên trong và bên ngoài sản phẩm cùng một lúc. Còn đúc men thì chỉ tráng men trong lòng sản phẩm.

Nung

Sản phẩm mộc sau quá trình gia công hoàn chỉnh được đem vào lò nung. Việc chồng lò, sắp xếp sản phẩm trong lò phụ thuộc vào loại sản phẩm, hình dáng, kích thước của bao nung, loại lò dùng để nung để vừa sử dụng triệt để không gian trong lò, vừa tiết kiệm được nhiên liệu mà lại đạt hiệu nhiệt cao. Đốt lò là khâu quan trọng nhất, quyết định thành công hay thất bại của một lò gốm.

gốm sứ Bát Tràng

Ý nghĩa văn hóa và giá trị nghệ thuật của gốm sứ Bát Tràng

Gốm sứ Bát Tràng không chỉ là di sản của Việt Nam mà còn là đại diện cho một làng nghề truyền thống. Việc kế thừa và phát huy làng nghề không chỉ thể hiện lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, mà còn góp phần phát triển nền kinh tế địa phương nói riêng và kinh tế nước nhà nói chung. 

___

Xem thêm:

Không Gian Gốm - Địa chỉ cung cấp đồ gốm sứ Bát Tràng chính hãng

Cách bày mâm cỗ trung thu truyền thống đơn giản và đẹp mắt

Nội dung bài viết